Lắp đặt anten phát sóng điện thoại di động trên nóc nhà có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

01.10.2015 / 21:13
hanhphucao
Bài đăng: 2469
Admin
Admin là người tận tâm và luôn hành xử đúng mực.

Điện thoại di động (ĐTDĐ) sử dụng sóng điện từ để chuyển tải giọng nói, tin nhắn,... từ máy cầm tay tới trạm thu phát sóng (còn được gọi là trạm gốc - BTS). Do vậy, giống như các loại sóng điện từ khác (sóng phát thanh, sóng truyền hình, sóng rada,...) sóng ĐTDĐ cũng mang năng lượng - tức là cũng có khả năng tác động lên cơ thể con người và động thực vật. Nhưng vấn đề đặt ra là mức độ tác động đó như thế nào, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không?

Hiện nay ĐTDĐ ở nước ta đang sử dụng hai công nghệ là GSM (Vinaphone, Mobifone, Viettel) ở dải tần 900 MHz, 1800 MHZ và CDMA (Sfone, Hanoi Telecom, EVN) ở dải tần 800 MHz (mạng 096 của EVN ở dải tần 450 MHz). Mỗi doanh nghiệp được cấp phát một đoạn băng tần nhỏ (một vài chục MHz) trong dải tần nói trên. Mỗi đoạn nhỏ này lại được chia thành các kênh để sử dụng. Ví dụ mỗi kênh GSM có độ rộng 0,2 MHz. Mỗi trạm gốc BTS được sử dụng một vài kênh nhất định để đảm bảo nó không gây nhiễu cho trạm gốc khác (sử dụng các kênh khác) đặt gần đó. Để tăng số lượng người sử dụng có thể đồng thời truyền tín hiệu đến một trạm BTS, người ta sử dụng một kỹ thuật gọi là TDMA nhằm phân chia thời gian sử dụng mỗi kênh cho nhiều người dùng. Trong công nghệ GSM, 8 máy cầm tay dùng chung một kênh, lần lượt từng máy thu phát sau đó ngừng lại để các máy khác thu phát.

Công suất cực đại của một máy cầm tay theo tiêu chuẩn GSM là 2W (băng 900MHz) và 1W (băng 1800MHz). Nhưng do kỹ thuật TDMA nêu trên, công suất trung bình chỉ bằng 1/8 công suất cực đại (0,25W và 0,125W tương ứng cho từng băng). Tuy nhiên, công suất thực tế khi đàm thoại còn nhỏ hơn nữa do không phải lúc nào máy cầm tay cũng phát sóng (có lúc ngừng lại để thu tín hiệu - lúc nghe hoặc lúc ngừng nói giữa các từ). Ngoài ra, bộ phận điều khiển công suất còn tự động giảm công suất phát khi máy cầm tay ở gần trạm BTS.

Công suất của máy cầm tay được phát xạ ra môi trường bên ngoài qua anten của máy, thường là phát xạ đồng đều theo mọi hướng (anten vô hướng). Theo tính toán, tại một điểm cách anten 2,2 cm (là khoảng cách trung bình từ anten đến vỏ não khi đang đàm thoại), cường độ điện trường cực đại do máy ĐTDĐ GSM phát ra vào khoảng 400 V/m (băng 900MHz) và 200 V/m băng 1800MHz). Trong cả hai trường hợp cường độ từ trường cực đại vào khoảng 1 micro Tesla còn thông lượng trường điện từ cực đại là 0,02 W/cm2 (có nghĩa mỗi centimet vuông da người sẽ tiếp nhận một nguồn năng lượng 0,02 W - chỉ bằng 1/4 cường độ nguồn năng lượng mặt trời mà bạn tiếp nhận trong một ngày đẹp trời). Các chỉ số này càng giảm nhanh chóng khi khoảng cách tính đến anten càng xa.

Để đánh giá khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của sóng vô tuyến nói chung, người ta sử dụng một đại lượng gọi là SAR (Specific Absorption Rate - Chỉ số hấp thụ đặc trưng) là liều lượng hấp thụ năng lượng vô tuyến tại một khoảng tần số nhất định của một đơn vị khối lượng cơ thể, đo bằng W/kg hoặc mW/g. Theo tiêu chuẩn châu Âu (EN50360-1) được phần lớn các nước trên thế giới áp dụng thì đối với các băng tần số của ĐTDĐ, SAR < 2 W/kg, đo trên 10g bất kỳ của cơ thể, ngoại trừ bàn tay, cổ tay, bàn chân và mắt cá chân. Chỉ số này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là đảm bảo an toàn cho người bị phơi nhiễm. Mỹ áp dụng tiêu chuẩn cao hơn: SAR<1,6W/kg đo trên mỗi gram ở bất kỳ vị trí nào của cơ thể.

Hãy đối chiếu với trường hợp ĐTDĐ GSM nói trên. Giả sử trọng lượng riêng của cơ thể bằng trọng lượng riêng của nước, tức là 1 kg/lít thì cường độ 0,02w/cm2 tại điểm có cường độ mạnh nhất (vùng tai) cũng đúng bằng giới hạn cho phép của SAR theo tiêu chuẩn châu Âu 2w/kg. Tuy nhiên, thời gian mỗi cuộc đàm thoại chỉ kéo dài một vài phút nên thời gian phơi nhiễm rất ngắn. Mặt khác, đối với các bộ phận khác của cơ thể (cách xa anten của máy hơn) thì cường độ trường và tỷ lệ hấp thụ SAR còn thấp hơn rất nhiều. Đối với công nghệ CDMA, mức độ an toàn còn cao hơn GSM do công suất phát nhỏ hơn. Do vậy, bạn hoàn toàn có thể yên tâm mang theo và sử dụng máy ĐTDĐ bên mình mà không sợ tổn hại đến sức khỏe của bạn.

Đối với trạm gốc BTS, anten thường được đặt trên nóc các ngôi nhà cao hoặc trên cột anten độc lập, độ cao thông thường khoảng từ 20m đến 30m. Anten của trạm gốc di động là anten có hướng, chỉ phát xạ về một phía. Mỗi BTS thường có 3 anten đặt lệch nhau góc 120o và lệch so với phương thẳng đứng một góc khoảng 6o để phủ sóng xuống mặt đất xung quanh. Búp sóng chính của anten chạm đất ở khoảng cách từ 40m đến 200m.

Công suất phát của BTS được nhà khai thác tự cài đặt nhưng để đảm bảo không gây nhiễu cho các BTS xung quanh, công suất cực đại không quá 30 W mỗi kênh. Mỗi BTS sử dụng từ 2 đến 4 kênh, do đó công suất cực đại của mỗi BTS vào khoảng 60 đến 120W. Công suất trung bình thường nhỏ hơn con số này khá nhiều, bởi vì ít khi BTS phải phát hết công suất (chỉ khi tất cả các kênh đều phục vụ đủ 8 máy cầm tay và tất cả các máy cầm tay đều ở rìa của vùng phủ sóng). Với công suất phát xạ P thì ở một điểm cách xa trung tâm phát xạ một khoảng r, trong trường hợp phát xạ đều theo mọi hướng, ta có thể thu được thông lượng điện từ là f = P/(4 pr2). Với một BTS công suất 60W sử dụng anten sector 120o cao 20m (độ tăng ích của anten là 50dB) sẽ sinh ra một trường điện từ mà ở khoảng cách 100m thì thông lượng của trường điện từ đó vào khoảng 0,00001 W/cm2, tức là nhỏ hơn tác động của máy cầm tay đến vỏ não của bạn khoảng 2000 lần. Mức phát xạ này cũng chỉ tương đương với mức phát xạ của Đài Truyền hình Việt Nam kênh VTV3 (20000 W) đo ở khoảng cách 1,5 km.

Ở các vị trí gần cột anten hơn, do chỉ chịu ảnh hưởng của các búp sóng phụ có công suất bức xạ nhỏ hơn búp sóng chính nhiều lần nên thông lượng điện từ giảm đi nhanh chóng.

Như phân tích ở trên, ta thấy rằng cả sóng điện từ phát ra từ trạm gốc lẫn sóng phát ra từ ĐTDĐ cầm tay khi đàm thoại đều đã được tính toán thiết kế để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, theo tiêu chuẩn khắt khe nhất của WHO. Những lo ngại của một số người và những tin đồn về tác dụng của sóng ĐTDĐ đối với sức khỏe con người chỉ là những lo ngại vô căn cứ và là tin đồn thất thiệt. Sóng ĐTDĐ mà chúng ta đang sử dụng hiện nay là hoàn toàn an toàn đối với sức khỏe của mọi người, hoàn toàn tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia về an toàn bức xạ vô tuyến.

01.10.2015 / 21:48
saoko
Bài đăng: 1446
Member
MXH Vườn Cảm Xúc

lười đọc

02.10.2015 / 01:19
NhOcKery
Bài đăng: 159
Member
NgOn NhƯ xE cOn =))

Like tinh thần post đã đọc 2chữ đầu và 4chữ cuối :yao: